Cây cầu có tên gọi “đón nắng mai”-Thê Húc

Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồXem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này…

Cầu Thê Húc .

Khi nói tới hồ Gươm với liễu rủ, mặt hồ xanh biếc; nơi kết nối náo nhiệt của phố phường Hà Nội với vẻ tôn nghiêm, uy nghi của quần thể tháp Bút và Đền Ngọc Sơn, ta không thể không nhắc tới cây cầu son có một không hai, với tên gọi rất đặc biệt-Thê Húc. Đứng trên cây cầu phóng tầm mắt ra xung quanh, hay từ bên hồ ngắm nhìn toàn cảnh nước hồ lung linh in bóng cây cầu đỏ thắm, quyện với màu xanh của liễu rủ, những cây bàng, cây cơm nguội vàng đang buổi xuân thì đều cho ta cái cảm nhận-tuyệt đẹp. Thật không ngoa khi ai đó đã từng khẳng định: Thê Húc chính là biểu tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa của người Thủ đô nói riêng và người Việt nói chung.

Vậy cầu Thê Húc ra đời khi nào và vì sao lại có màu son có một không hai như thế? Theo các tài liệu, khi hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng, trên hồ có đảo Ngọc, lối vào đảo khi ấy chỉ có chiếc cầu tre rất đơn sơ, mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ; chủ yếu là nơi đi lại và rửa chân cho người dân địa phương; dáng cầu thẳng. 

Tới năm 1865, dưới triều Tự Đức, Thần Siêu-tức Nhà giáo, quan án sát Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu bổ ngôi chùa nhỏ trên đảo Ngọc, ông đã cho bắc cây cầu son dẫn lối vào Đền, với hình dáng như ngày hôm nay. Thê Húc hướng về phía Đông-nơi mặt trời mọc nên nó có thể hứng được toàn bộ dưỡng khí của buổi sớm mai. Vì vậy mà tên của cầu có nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại”, hoặc “ngưng tụ hào quang”, “đón nắng mai”. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. 

 Màu đỏ của cầu tượng trưng cho sự sống và hạnh phúc-ước vọng của con người từ ngàn đời nay. Đặc biệt, không bằng, thẳng như những cây cầu khác, Thê Húc được thiết kế cong cong, uốn lượn. Mặt cầu được gép bởi những tấm gỗ nhỏ. Hai bên lan can được thiết kế bởi những thanh gỗ đan xéo nhau như dấu nhân, chia thành từng ô nhỏ, kết hợp với trụ đứng, vừa tạo dược sự mềm mại, thích mắt nhưng vẫn thể hiện được sự vững trãi cho bất cứ ai đứng trên cây cầu.

 Theo các chuyên gia, cầu Thê Húc mang nhiều nét cổ xưa, phỏng theo hình chiếc nhà gỗ của người dân vùng châu thổ sông Hồng. Điều đặc biệt, những loại gỗ được làm trên cầu được đánh giá là gỗ tứ quý; trụ là những thân cây đinh, lim to chắc, có tuổi thọ cao; gỗ ở giữa cầu là những lớp lim, hai bên được pha trộn gỗ sến và táu… kể từ khi xây dựng đến nay, cầu trải qua hai lần tái thiết. Lần thứ nhất, vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ hai là năm 1952-Nhâm Thìn, trong đêm Giao thừa, do lượng người du Xuân, lễ chùa quá đông nên một nhịp cầu đã gãy. Sau đó, cầu đã được xây lại, móng, các dầm ngang, dọc được đúc lại bằng xi măng nhưng mặt cầu và thành vẫn là gỗ và vẫn mang dáng dấp của cây cầu son đỏ xưa kia. 

Hãy thử tưởng tượng, mặc bộ áo dài trắng tinh khôi, bước trên cầu Thê Húc, soi mình trên mặt nước xanh biếc, ta không chỉ thấy một bức họa với các nét chấm phá, bảng màu hòa quện, làm nổi bật cho nhau mà còn thấy mình trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Hay trong bộ áo dài khăn xếp bước trên cầu để vãn cảnh chùa uy nghiêm, ở vị trí rất đặc biệt của Thủ đô, của hồ Hoàn Kiếm, ta không chỉ thấy lòng thư thái hơn mà còn tạo nên nét văn hóa rất riêng mà chỉ Hà Nội mới có. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm say lòng người, để bất cứ ai khi thấy khung cảnh đó, khi một lần được chạm nét nhìn vào cầu Thê Húc sẽ không thể nào quên.

Hiền Mĩ